Chương trình xếp hạng Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam

CÔNG BỐ TOP 10 NƠI LÀM VIỆC TỐT NHẤT VIỆT NAM VIỆT NAM 2023
NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN – VIỄN THÔNG

Trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu toàn quốc về Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2023, (Vietnam Top 10 Best WorkPlaces), Viet Research phối hợp với Báo Đầu tư công bố Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông. Đây là những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc nhất về môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ người lao động, kết quả kinh doanh ổn định và bền vững.

Chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người lao động về phát triển nguồn nhân lực, đãi ngộ người lao động, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và uy tín nhà tuyển dụng.

Danh sách Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam được lựa chọn dựa trên các nhóm tiêu chí có phân bổ trọng số phù hợp bao gồm:

Nhóm tiêu chí liên quan đến Nhân sự và Uy tín nhà tuyển dụng: Được đánh giá dựa trên Quy mô nhân sự, Cơ cấu lực lượng lao động, Uy tín thương hiệu nhà tuyển dụng.

Nhóm tiêu chí liên quan đến Hiệu quả Sản xuất Kinh doanh và Triển vọng tăng trưởng: Được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu liên quan đến Doanh thu, Tốc độ tăng trưởng, Thị phần.

Nhóm tiêu chí liên quan đến Thu nhập và Chế độ phúc lợi: Được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu liên quan đến Thu nhập bình quân của người lao động, Chính sách nhân sự, Sự hài lòng của người lao động, Môi trường làm việc và Văn hóa doanh nghiệp.

Danh sách các doanh nghiệp trong Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2023 ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình https://vbw10.vn/.

Trong giai đoạn 2016 – 2022, ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu kép hàng năm (CAGR – Compound Annual Growth Rate) ở mức 13,92%. Ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông đã trở thành một trong những ngành có đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Điều này giúp Việt Nam chuyển mình trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về sản xuất công nghệ phần cứng và điện tử – viễn thông. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng doanh nghiệp trong ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông cũng liên tục tăng qua các năm và đạt 67,2 nghìn doanh nghiệp trong năm 2022, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh bởi làn sóng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ với tốc độ rất nhanh, đầu tư công nghệ được coi như một nhu cầu tất yếu, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động vận hành và giảm thiểu chi phí sản xuất trên mọi lĩnh vực. Các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ trong nước như Viettel, VNPT, FPT hứa hẹn sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai. Ngành Viễn thông Việt Nam tự hào nằm trong nhóm nước đầu tiên trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, đồng thời sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G và điện thoại 5G.

Việt Nam đang thu hút các công ty lớn trong lĩnh vực Công nghệ thông tin – Viễn thông trên thế giới và trong khu vực, tạo ra nhiều cơ hội để phát triển nhưng đi kèm theo đó là những thách thức mới. Sự vươn lên mạnh mẽ của ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông trong những năm gần đây đã tạo ra nhiều công việc mới, vì thế nhu cầu về số lượng và chất lượng lao động trong lĩnh vực này ngày càng cao, các hoạt động tuyển dụng và xây dựng đội ngũ kỹ sư phát triển sản phẩm, dịch vụ được đẩy mạnh. Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra chế độ đãi ngộ về lương, thưởng hấp dẫn cho nhân viên. Ngay cả những sinh viên mới ra trường cũng đã có mức thu nhập lý tưởng.

Bên cạnh đó, thế giới không ngừng phát triển, các cuộc cách mạng khoa học công nghệ diễn ra liên tiếp, ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông cũng không ngừng thay đổi để thích ứng với sự đổi mới và nhu cầu của thị trường. Vì vậy, để cạnh tranh và phát triển, người lao động trong lĩnh vực này cần không ngừng học hỏi, tự trau dồi, nghiên cứu những kiến thức, xu hướng mới, cập nhật kỹ năng cần thiết cho bản thân để theo kịp yêu cầu của công việc.

Một số xu hướng về việc làm và môi trường làm việc ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông từ kết quả nghiên cứu và khảo sát các doanh nghiệp trong Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2023 của Viet Research:

Thứ nhất, Trí tuệ nhân tạo và học máy

Trí tuệ nhân tạo (AI) và Học máy (ML) vẫn là xu hướng thị trường việc làm hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin – Viễn thông. Theo số liệu khảo sát thị trường của Cục Thống kê Lao động Mỹ, thị trường AI toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 387,45 tỷ USD vào năm 2022 lên 1.394,30 tỷ USD vào năm 2029, giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2029, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 20,1%.

AI đang thâm nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày và hành vi của người tiêu dùng, từ bán lẻ, tài chính đến bảo hiểm. Các công ty đang tăng cường sự tham gia của khách hàng bằng cách triển khai AI để cung cấp trải nghiệm và dịch vụ được cá nhân hóa theo thời gian thực.

Thứ hai, Thực tế ảo và tăng cường (VR và AR)

Cũng giống như AI, thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường cũng tiếp tục là một trong những xu hướng thị trường việc làm hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin – Viễn thông. Thị trường thực tế ảo toàn cầu được dự đoán sẽ tăng từ 16,67 tỷ USD vào năm 2022 lên 227,34 tỷ USD vào năm 2029. Sự tăng trưởng như vậy sẽ tạo ra tốc độ CAGR là 45,2% trong giai đoạn 2022 – 2029. Các ngành công nghiệp cũng tiếp tục áp dụng VR và AR cho mục đích giải trí, bán lẻ và kinh doanh.

Thứ ba, An ninh mạng

An ninh mạng không nhất thiết phải là một xu hướng mới, nhưng với tốc độ công nghệ không ngừng phát triển, an ninh mạng sẽ luôn cần thiết trong thế giới Công nghệ thông tin – Viễn thông. Cục Thống kê Lao động Mỹ cũng đưa ra dự báo việc làm trong lĩnh vực bảo mật thông tin sẽ tăng 33% trong giai đoạn 2020 – 2030, nhanh hơn nhiều so với mức trung bình của tất cả các ngành nghề khác.

Thứ tư, Tăng cường áp dụng công nghệ tại nơi làm việc

Khi các doanh nghiệp phát triển và cố gắng cạnh tranh trong môi trường làm việc hiện đại, việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số mang tính đột phá sẽ được đặt lên hàng đầu để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Cho dù đó là các công cụ tập trung vào nội bộ như báo cáo nhân sự hay các quy trình gia nhập/rút lui khỏi công ty cho đến các công cụ tập trung vào bên ngoài, những xu hướng công nghệ này sẽ tiếp tục phát triển và giúp đẩy nhanh làn sóng đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp Công nghệ thông tin – Viễn thông trong Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam cũng cho biết gần như tất cả các doanh nghiệp trong ngành đã triển khai AI trong ít nhất một đơn vị hoặc chức năng kinh doanh. Điều này nhấn mạnh sự hiện diện ngày càng tăng của AI tại nơi làm việc. Các doanh nghiệp cũng tăng cường sự hiện diện của các công nghệ mới, tập trung nhiều nguồn lực vào chiến lược chuyển đổi số.

Sự bùng nổ của công nghệ số, thiết bị thông minh và ứng dụng robot trong sản xuất, kinh doanh đặt ra nhiều thách thức cho thị trường lao động có nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế của ngành. Nhận thức được điều này, các doanh nghiệp trong Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông đã đưa ra các chiến lược đào tạo dài hạn và triển khai các chương trình cập nhật kiến thức mới nhất, nâng cao kỹ năng chuyên môn cho người lao động để đảm nhận các công việc đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao, thích nghi và bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của thị trường.

Lễ Công bố Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2023 ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông sẽ được công bố chính thức tại Hội nghị “Tái định hình các xu hướng môi trường làm việc Việt Nam trong bối cảnh mới” được tổ chức vào tháng 11/2023 tại Khách sạn Pullman, Hà Nội và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình https://vbw10.vn và trên các kênh truyền thông đại chúng.

Vui lòng xem bản đầy đủ tại trang web: https://vbw10.vn