Chương trình xếp hạng Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam

Vào tháng Bảy vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố một báo cáo cho thấy tăng trưởng toàn cầu đang đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng. Xu hướng nhân khẩu học ảnh hưởng đến lực lượng lao động và sức khỏe của chuỗi cung ứng tiếp tục là gánh nặng cho các nền kinh tế trên toàn thế giới. Người lao động ngày càng cảm thấy bản thân có thể dễ bị thay thế trong khi những bất ổn trong môi trường làm việc liên tục gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất làm việc. Mặc dù AI đang được kì vọng có thể hỗ trợ quy trình làm việc trong tương lai, nhưng công nghệ này khó có thể hoàn toàn giải quyết được những thách thức này trong ngắn hạn. Theo khảo sát lực lượng lao động của PwC, Việc ứng dụng GenAI tại nơi làm việc vẫn còn đang hạn chế. Tại Việt Nam,  55% người được khảo sát có sử dụng GenAI trong năm qua (so với Châu Á khu vực Thái Bình Dương là  70%). Tuy nhiên, chỉ có 25% cho biết họ sử dụng GenAI hàng ngày trong công việc.

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Harvard Business Publishing dưa trên ý kiến của hơn 1000 chuyên gia trong lĩnh vực phát triển lãnh đạo, tăng cường phát huy tiềm năng của con người sẽ trở thành một trong bốn mục tiêu hàng đầu trong phát triển lãnh đạo. Cũng theo một khảo sát của PwC với 1000 người lao động đến từ Việt Nam, 64% đồng ý rằng các kỹ năng mà công việc của họ yêu cầu sẽ thay đổi đáng kể trong 5 năm tới, do đó việc phát triển kỹ năng là chìa khóa thành công cho công việc của họ.

(Nguồn: PwC)

Tốc độ thay đổi trong quy trình làm việc đang gia tăng nhanh chóng, mang đến cả sự lạc quan và cảm giác bất định cho người lao động tại Việt Nam cũng như khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mặc dù phần lớn người lao động sẵn sàng thích nghi, họ cũng cảm thấy áp lực trước tốc độ thay đổi không ngừng này. Trên phương diện tích cực, người lao động cảm thấy công việc của họ được đảm bảo hơn và có mong muốn học hỏi các kỹ năng mới, đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI tạo sinh (GenAI). Mặc dù nhân viên đã sẵn sàng thích ứng và phát triển, họ vẫn cần được hỗ trợ để vượt qua những thách thức của sự thay đổi. Do đó, việc đầu tư vào phát triển kỹ năng không chỉ giúp nâng cao sự hài lòng trong công việc mà còn đảm bảo đáp ứng được kỳ vọng ngày càng cao của nhân viên.

Phát triển tiềm năng con người góp phần nâng cao năng suất

Áp lực gia tăng năng suất để thúc đẩy lợi nhuận và tạo điều kiện cho tăng trưởng là rất lớn. Các nhà lãnh đạo cần xây dựng môi trường làm việc nơi mà nhân viên và các nhóm của họ sẵn sàng cống hiến hết mình, phát huy tối đa khả năng để đạt được kết quả cao nhất. Đây chính là mục tiêu mà nhiều năm nỗ lực gắn kết nhân viên hướng tới, nhưng các báo cáo cho thấy những nỗ lực này chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Hiện nay, khi nhân viên đánh giá mức độ sẵn sàng cam kết cống hiến, sự tính toán của họ đã thay đổi. Không phải lúc nào các biện pháp thúc đẩy cũng tác động mạnh mẽ đến sự gắn kết. Đã đến lúc các tổ chức cần đi xa hơn, phát huy tối đa tiềm năng của nhân viên thông qua cam kết thực sự từ phía người sử dụng lao động. Điều này bao gồm việc chủ động hỗ trợ nhân viên nâng cao kỹ năng và phát triển tối đa khả năng của họ. Theo nghiên cứu gần đây, yêu cầu này đã trở thành một trong bốn mục tiêu chính trong việc phát triển năng lực lãnh đạo.

Giải phóng tiềm năng của nhân viên để đạt được nỗ lực tự nguyện (Discretionary Effort)

Nỗ lực tự nguyện là nỗ lực vượt mức cơ bản hoặc tối thiểu mà một nhân viên sẵn sàng bỏ ra trong công việc, nhưng không bị bắt buộc. Nói cách khác, đây là sự nỗ lực mà nhân viên tự nguyện đóng góp nhiều hơn những gì được yêu cầu, chẳng hạn làm việc ngoài giờ, đưa ra ý tưởng sáng tạo, hoặc tích cực tham gia vào các dự án của công ty mà không mong đợi phần thưởng hay sự thúc ép. Nỗ lực tự nguyện thường xuất hiện khi nhân viên cảm thấy gắn kết, được tôn trọng và có động lực trong môi trường làm việc.

Sự gắn kết của nhân viên thường đo lường mức độ sẵn sàng ở lại với công ty, giới thiệu công ty là nơi làm việc lý tưởng và cống hiến hết mình. Dù những kết quả này rõ ràng có lợi cho doanh nghiệp, chúng không phản ánh giá trị mà nhân viên nhận được. Việc khơi dậy “nỗ lực tự nguyện” của nhân viên và các nhóm là một thách thức lãnh đạo phức tạp, đòi hỏi nhà lãnh đạo phải tạo ra một môi trường mà nhân viên sẵn lòng cống hiến toàn bộ khả năng – không phải vì áp lực hay sự ép buộc, mà vì họ muốn làm điều đó.

Để gia tăng cam kết của nhân viên với tổ chức, các nhà lãnh đạo cần hiểu rõ cách công việc có thể đáp ứng nhu cầu của mỗi cá nhân, bao gồm các khía cạnh cảm xúc, thể chất, xã hội, tài chính, tinh thần, môi trường, trí tuệ và phát triển nghề nghiệp. Theo nghiên cứu  “Sự hoàn thành công việc đòi hỏi sự lãnh đạo thực sự lấy con người làm trung tâm” của Ellen Bailey,khi công việc trở thành yếu tố đóng góp tích cực vào sức khỏe và sự hoàn thiện của nhân viên, nhà lãnh đạo sẽ củng cố được lòng tin và thay đổi cách mọi người cảm nhận về công việc của họ.

6 yếu tố giải phóng sự sáng tạo và năng suất trong toàn bộ lực lượng lao động.

Một bài báo đăng tải trên Harvard Business Review đã liệt kê sáu yếu tố trong văn hóa của Best Buy mà các nhà lãnh đạo cần thiết lập để giải phóng sự sáng tạo và năng suất trong toàn bộ lực lượng lao động, và mối liên hệ giữa các yếu tố này với các khía cạnh của sự thịnh vượng đã được đề cập là rất rõ ràng.

1. Ý nghĩa
Mặc dù việc có một mục tiêu hoặc sứ mệnh rõ ràng cho tổ chức là quan trọng, nhưng điều cốt yếu là các nhà lãnh đạo phải giúp nhân viên của họ tạo ra sự kết nối cá nhân với điều đó – nhìn thấy mối liên hệ rõ ràng giữa mục tiêu của công ty và khát vọng cá nhân của chính họ.

2. Sự kết nối chân thành
Những người cảm thấy được lắng nghe và có cảm giác thuộc về sẽ gắn kết với công việc và đội ngũ của mình một cách sâu sắc hơn. Nhân viên mong muốn làm việc cho các tổ chức thấu hiểu và quan tâm đến họ như những cá nhân riêng biệt. Với sự gia tăng của các đội ngũ làm việc từ xa và kết hợp, các nhà lãnh đạo cần có ý thức trong việc tạo dựng các mối liên kết giữa các thành viên, bắt đầu từ chính bản thân mình.

3. Quyền tự chủ

Một mục đích rõ ràng cung cấp phương hướng cho hiệu suất, nhưng để thực hiện mục đích đó, mọi người cần có tự do nhất định trong việc lựa chọn những gì họ làm và cách họ thực hiện. Tại Best Buy, điều này đồng nghĩa với việc đẩy quyền ra quyết định đến gần công việc và khách hàng nhất có thể.

4. Sự an tâm
Các nhà lãnh đạo cần loại bỏ nỗi sợ hãi để khai thác tối đa hiệu suất làm việc. “Không ai sẵn sàng là chính mình hoặc chấp nhận thể hiện sự dễ bị tổn thương nếu họ không tin rằng sẽ không bị trừng phạt hoặc chế giễu vì thể hiện con người thật của mình, nói lên ý kiến hoặc mắc sai lầm.”

5. Môi trường học tập
Để phát huy tối đa khả năng, con người cần có cơ hội học hỏi. Tiến bộ trên con đường sự nghiệp mang lại cảm giác chủ động, có thể giúp giảm thiểu cảm giác bất ổn đang lan tỏa ở nhiều nơi làm việc và trong thế giới của chúng ta. Các hoạt động của lãnh đạo nhằm tạo ra môi trường khuyến khích sự làm chủ cá nhân có thể từ các hình thức cá nhân và không chính thức, như huấn luyện liên tục, cho đến thay đổi hệ thống và cấu trúc như quy trình khen thưởng và quản lý hiệu suất cản trở việc học tập thực sự.

6. Sự phát triển
Sự phát triển của tổ chức tạo ra cơ hội và năng lượng. Tại Best Buy, họ cần vượt ra khỏi tư duy cố định trong ngành và mở rộng cách nhìn về thị trường của mình để tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh hơn.

Kết luận

Năng suất trong ngắn hạn phụ thuộc vào sự sẵn lòng đóng góp nỗ lực tự nguyện của nhân viên. Một số tổ chức cố gắng thúc đẩy nỗ lực này bằng cách tăng lương, cung cấp thêm phúc lợi và các tiện nghi tại nơi làm việc. Mặc dù cách tiếp cận này có thể giúp giữ chân nhân viên lâu hơn, nhưng nó không đủ để khai thác tối đa tiềm năng và thúc đẩy hiệu suất tốt nhất của họ. Nỗ lực tự nguyện chỉ thực sự hiệu quả khi có sự kết nối và đồng nhất thực sự với các giá trị và văn hóa của tổ chức – điều được ví như “phép màu của con người”.

Giải phóng toàn bộ tiềm năng của con người là một thách thức lãnh đạo sâu sắc và đa diện, đòi hỏi sự vượt qua những nỗ lực truyền thống trong việc gắn kết nhân viên. Đây không chỉ là nhiệm vụ khó khăn nhất mà còn là phần thưởng lớn nhất mà một nhà lãnh đạo có thể đạt được theo nhiều cách. Nhiệm vụ tương tự cũng đặt ra cho chúng ta, với tư cách là những chuyên gia đào tạo, đó là trang bị cho các nhà lãnh đạo các công cụ, kỹ năng và tư duy cần thiết để đối mặt với thách thức này.