Chương trình xếp hạng Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam

Bước sang năm 2024, thị trường lao động Việt Nam đối diện với nhiều cơ hội và thách thức mới. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dần phục hồi sau những biến động lớn, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực giải quyết bài toán tuyển dụng và quản lý nhân sự, song hành với mục tiêu phát triển bền vững. Một nghịch lý hiện nay là trong khi nhiều người lao động vẫn thất nghiệp hoặc thiếu việc làm thì không ít doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Cùng với sự phát triển của công nghệ, yêu cầu về kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng số cũng trở thành những tiêu chí tuyển dụng hàng đầu của các doanh nghiệp.

Với hai năm tổ chức thành công, chương trình Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam đã khẳng định vị thế là bảng xếp hạng uy tín và đáng tin cậy, giúp người lao động có cái nhìn toàn diện về những doanh nghiệp dẫn đầu trong việc tạo dựng môi trường làm việc lý tưởng. Năm 2024 đánh dấu ba năm liên tiếp chương trình tổ chức thường niên, tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa các doanh nghiệp hàng đầu và người lao động, đồng thời góp phần thúc đẩy những chuẩn mực mới trong quản lý và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam.

Chương trình do Viet Research phối hợp cùng Báo Đầu tư thực hiện không chỉ nhằm vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp lớn trong việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, tích cực và sáng tạo, mà còn khuyến khích các doanh nghiệp khác không ngừng cải tiến để bắt kịp xu hướng mới về tuyển dụng và quản lý nhân sự. Việc xuất hiện trong danh sách Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam 2024 (VBE500) không chỉ là sự công nhận cho những nỗ lực của doanh nghiệp, mà còn là minh chứng cho uy tín và sức hấp dẫn của các doanh nghiệp đối với nhân tài trong và ngoài nước.

Danh sách các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VBE500 được đăng tải trên Cổng thông tin của Chương trình: https://bestemployer.vn/

Cũng trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu các doanh nghiệp trên toàn quốc, Viet Research đã công bố Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024 (VBW10). Danh sách này vinh danh những doanh nghiệp tiêu biểu thuộc các ngành kinh tế trọng điểm như: Ngân hàng, Dịch vụ Tài chính Chứng khoán, Bảo hiểm, Bán lẻ, Công nghệ thông tin – Viễn thông, Du lịch, Dược – Thiết bị y tê, Thực phẩm – Đồ uống, Logistics, Bất động sản – Xây dựng, Năng lượng, Chế biến – Chế tạo, Nông nghiệp công nghệ cao.

Danh sách đầy đủ VBW10 và phương pháp nghiên cứu được đăng tải trên Cổng thông tin của Chương trình: https://vbw10.vn/


Nguồn: Chương trình VBE500 – Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam 2024

Nguồn: Kết quả khảo sát và nghiên cứu các doanh nghiệp VBE500 năm 2024 của Viet Research

Một số phát hiện chính từ khảo sát cộng đồng doanh nghiệp VBE500

Các doanh nghiệp VBE500 năm 2024 được phân loại theo quy mô tổng tài sản, chia thành hai nhóm: trên và dưới 2.000 tỷ đồng, đây đều là các doanh nghiệp có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, thể hiện được tính linh hoạt và khả năng tối ưu hóa nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp này đã khẳng định vị thế tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cam kết phát triển bền vững, qua đó góp phần tạo ra môi trường làm việc hạnh phúc và ngày càng thu hút nhân tài. Dưới đây là các kết quả thống kê về các tiêu chí chính của Bảng xếp hạng VBE500.

1) Về tổng số lao động và thu nhập bình quân

Các doanh nghiệp bảng 1 (quy mô tổng tài sản trên 2.000 tỷ đồng) đang tạo việc làm cho 1,44 triệu lao động với thu nhập bình quân của người lao động đạt 23,4 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp bảng 2 (quy mô tổng tài sản dưới 2.000 tỷ đồng) đang tạo việc làm cho gần 272 nghìn lao động với thu nhập bình quân đạt 19,6 triệu đồng/người/tháng. Tựu trung lại, các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VBE500 năm 2024 đã tạo việc làm cho hơn 1,7 triệu lao động trên khắp cả nước với thu nhập bình quân đạt gần 22,8 triệu đồng/người/tháng.

2) Về doanh thu và lợi nhuận

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảng 1 (quy mô tổng tài sản trên 2.000 tỷ đồng) đạt 9,1 triệu tỷ đồng và ghi nhận tổng lợi nhuận đạt 696,7 nghìn tỷ đồng. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảng 2 (quy mô tổng tài sản dưới 2.000 tỷ đồng) đạt 566 nghìn tỷ đồng và ghi nhận tổng lợi nhuận đạt 24 nghìn tỷ đồng. Những con số này thể hiện vị thế vững chắc của các doanh nghiệp VBE500 trên thị trường, đồng thời cho thấy khả năng sinh lời và tiềm năng mở rộng thị phần còn rất lớn.

3) Về hiệu quả hoạt động: ROA và ROE

Về tổng tài sản, các doanh nghiệp bảng 1 (quy mô tổng tài sản trên 2.000 tỷ đồng) sở hữu tổng cộng 27 triệu tỷ đồng, minh chứng cho khả năng tích lũy tài sản lớn trong nhiều năm. Nhờ lợi thế về quy mô tài sản đã giúp các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận các nguồn vốn lớn, mở rộng đầu tư và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) trung bình đạt 4,83%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình đạt 10,99% – phản ánh hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu để sinh lời. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảng 2 (quy mô tổng tài sản dưới 2.000 tỷ đồng) đạt 386 nghìn tỷ đồng. ROA trung bình đạt 6,44%, cùng với ROE trung bình đạt mức cao ấn tượng 25,45%.

Như vậy, tỷ lệ sinh lời từ tài sản và vốn của các doanh nghiệp nhóm 2 đang vượt trội hơn so với nhóm 1. Điều này cho thấy các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn đang tận dụng tài sản và vốn một cách tối ưu hơn để sinh lời. Sự linh hoạt và hiệu quả trong sử dụng vốn là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp này cạnh tranh với các tập đoàn có quy mô lớn. Mặt khác, mặc dù hiệu quả hoạt động đánh giá dựa trên chỉ số ROA và ROE của các doanh nghiệp nhóm 1 có phần thấp hơn, song điều này chưa hẳn là kém tích cực trong bối cảnh quản lý tài sản quy mô lớn thường đòi hỏi sự cẩn trọng và gắn với chiến lược dài hạn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tuyển dụng nhân sự: Cạnh tranh, kỹ năng và sự phù hợp

Khảo sát mới đây của Viet Research từ chương trình VBE500 đã chỉ ra rằng, việc tuyển dụng không chỉ gặp khó khăn trong khâu tìm kiếm ứng viên mà còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như kỹ năng chuyên môn của người lao động, mức độ cạnh tranh trên thị trường và chi phí tuyển dụng.

Thời gian tuyển dụng kéo dài là một trong những mối lo ngại hàng đầu, khi 75,9% doanh nghiệp cho rằng quá trình tuyển dụng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời gian kéo dài. Điều này không chỉ làm tăng chi phí tuyển dụng mà còn khiến các doanh nghiệp bỏ lỡ nhiều cơ hội tuyển dụng ứng viên tiềm năng. Sự chậm trễ trong việc đưa ra quyết định tuyển dụng có thể làm giảm cơ hội tiếp cận những ứng viên chất lượng, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc giữ chân nhân tài trên thị trường lao động.

Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp nhấn mạnh là chất lượng ứng viên. Gần 65,5% doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn trong việc thu hút những ứng viên có kỹ năng chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu công việc. Trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao hoặc các kỹ năng chuyên biệt, việc thiếu hụt nhân tài đã trở thành một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp trong quá trình mở rộng và phát triển. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự kéo dài của quá trình tuyển dụng, khi các công ty phải tìm kiếm và sàng lọc kỹ lưỡng để tìm ra những ứng viên phù hợp nhất.

Một thách thức khác mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt là vấn đề về sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty trên các kênh tuyển dụng phổ biến. Hơn 51,7% các doanh nghiệp cho biết, sự cạnh tranh với các công ty cùng ngành trên cùng kênh tuyển dụng đã gây ra ảnh hưởng đáng kể tới khả năng thu hút ứng viên. Điều này không chỉ tạo ra áp lực về thời gian, mà còn đòi hỏi các công ty phải không ngừng điều chỉnh chiến lược tuyển dụng để duy trì lợi thế cạnh tranh. Việc tạo ra sự khác biệt trong cách tiếp cận ứng viên ngày càng trở thành yếu tố quan trọng để giữ vững vị thế trên thị trường lao động.

Không chỉ vậy, việc ứng viên yêu cầu mức lương quá cao cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến quá trình tuyển dụng. Hơn 48,3% doanh nghiệp phản hồi rằng việc đáp ứng yêu cầu về mức lương kỳ vọng của ứng viên là một bài toán khó. Điều này đặc biệt rõ ràng trong các ngành nghề có sự khan hiếm nhân lực chất lượng cao, khi mà khoảng cách giữa kỳ vọng của ứng viên và khả năng chi trả của doanh nghiệp ngày càng chênh lệch rõ rệt. Việc này không chỉ khiến quá trình tuyển dụng bị kéo dài, mà còn làm giảm khả năng giữ chân nhân tài, khi doanh nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu về mức thu nhập mong muốn của ứng viên.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề đáng lưu tâm là phương pháp tuyển dụng hiện tại chưa thực sự tối ưu hóa được các yếu tố như chi phí và thời gian. 45,2% doanh nghiệp nhận định rằng các phương pháp tuyển dụng truyền thống vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong việc tiếp cận đúng đối tượng ứng viên. Với sự phát triển của công nghệ và các công cụ hỗ trợ tuyển dụng hiện đại, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước áp lực phải đổi mới quy trình tuyển dụng, ứng dụng công nghệ vào các kênh tuyển dụng nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, việc chuyển đổi và tích hợp công nghệ vào quy trình tuyển dụng vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn ở nhiều doanh nghiệp.

Những thách thức trên cho thấy rằng, việc tuyển dụng hiện nay không chỉ đơn thuần là tìm kiếm ứng viên phù hợp mà còn đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt và chủ động hơn trong chiến lược nhân sự. Trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp cần không ngừng cải tiến và tối ưu hóa quy trình tuyển dụng, đồng thời xây dựng các chiến lược dài hạn để giữ vững lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.

5 giải pháp nâng cao chất lượng tuyển dụng trong doanh nghiệp

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VBE500 năm 2024

Trước những thách thức trong việc tuyển dụng nhân sự, các doanh nghiệp đã nhanh chóng áp dụng một loạt các giải pháp nhằm tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả tuyển dụng. Các giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp đối phó với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động mà còn giúp tiếp cận được với nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một trong những giải pháp hiệu quả nhất mà các doanh nghiệp đã áp dụng là đa dạng hóa kênh tuyển dụng. Theo khảo sát của Viet Research, có tới 93,1% doanh nghiệp đánh giá việc đa dạng hoá các kênh tuyển dụng là yếu tố quan trọng. Việc sử dụng đồng thời nhiều kênh tuyển dụng, từ các nền tảng trực tuyến đến các sự kiện nghề nghiệp, đã giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều nguồn ứng viên khác nhau, từ đó tăng cơ hội tìm kiếm nhân tài phù hợp với yêu cầu của công ty.

Tuyển dụng nội bộ cũng là một chiến lược quan trọng được 82,7% doanh nghiệp ưu tiên. Việc tận dụng nguồn nhân lực nội bộ không chỉ giúp giảm chi phí tuyển dụng mà còn giúp nhân viên có cơ hội phát triển sự nghiệp trong doanh nghiệp. Điều này tạo sự gắn kết và động lực cho nhân viên, đồng thời đảm bảo sự ổn định cho hoạt động của doanh nghiệp trong dài hạn.

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề thiếu hụt ứng viên có kỹ năng chuyên môn cao, 75,8% doanh nghiệp đã chuyển sang ứng dụng công nghệ vào quá trình tuyển dụng. Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) đang được sử dụng để tối ưu hoá quá trình sàng lọc ứng viên, giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ chọn được những ứng viên chất lượng nhất.

Các doanh nghiệp cũng tập trung vào việc cải thiện giao tiếp với ứng viên trong và sau quá trình phỏng vấn. 72,4% doanh nghiệp nhận định rằng việc duy trì một quy trình giao tiếp hiệu quả với ứng viên sẽ tạo ấn tượng tốt, giúp ứng viên có trải nghiệm tốt hơn với doanh nghiệp, từ đó tăng khả năng thu hút và giữ chân nhân tài.

Song song với đó, việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng cũng trở thành một ưu tiên hàng đầu. 65,5% doanh nghiệp nhận định rằng đầu tư vào hình ảnh thương hiệu giúp tạo sự khác biệt và thu hút ứng viên tiềm năng. Một thương hiệu uy tín không chỉ khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường lao động, mà còn góp phần giữ chân nhân viên bằng việc tạo ra môi trường làm việc tích cực và bền vững.

4 Xu hướng tuyển dụng và phương thức làm việc trong 3 năm tới

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VBE500 năm 2024

Trong bối cảnh thị trường lao động không ngừng thay đổi, các doanh nghiệp nhận thấy rằng những xu hướng mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình phương thức làm việc trong tương lai. Theo khảo sát các doanh nghiệp VBE500 của Viet Research, một số yếu tố được dự đoán sẽ có tác động lớn đến cách thức làm việc của người lao động trong vòng 3 năm tới.

Tăng cường tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong quy trình làm việc

93,1% cho rằng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng trong quy trình làm việc trong những năm tới. Việc áp dụng các công nghệ này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, tối ưu hóa quy trình tuyển dụng và quản lý nhân sự, đồng thời cải thiện năng suất lao động. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động sẽ có nhiều cơ hội phát triển các kỹ năng sáng tạo và chiến lược hơn trong công việc hàng ngày.

Sự đột phá về khoa học công nghệ

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đang thúc đẩy những thay đổi lớn trong phương thức làm việc, với 87,8% doanh nghiệp đánh giá cao vai trò của các đột phá về khoa học công nghệ. Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và tự động hóa đang giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý và tuyển dụng, đồng thời tạo ra cơ hội phát triển mới cho người lao động trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Sự gia tăng của công việc từ xa và mô hình làm việc linh hoạt

86,2% doanh nghiệp đồng quan điểm cho rằng công việc từ xa và mô hình làm việc linh hoạt sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần. Điều này phản ánh nhu cầu ngày càng cao của người lao động về sự linh hoạt trong công việc, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp nhận ra rằng mô hình này không chỉ giúp giảm chi phí vận hành mà còn cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của nhân viên, từ đó tăng hiệu suất và sự hài lòng của người lao động.

Gia tăng tác động của các chính sách môi trường và phát triển bền vững

Trong vòng 3 năm tới, 75,9% doanh nghiệp dự đoán rằng các chính sách môi trường và phát triển bền vững sẽ có ảnh hưởng lớn đến phương thức làm việc của người lao động. Các doanh nghiệp nhận thức rõ ràng việc tích hợp các yếu tố bền vững không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường mà còn góp phần xây dựng hình ảnh doanh nghiệp thân thiện, có trách nhiệm với cộng đồng. Việc này không chỉ thúc đẩy tăng năng suất mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của cả doanh nghiệp và xã hội.

Những xu hướng này không chỉ định hình lại phương thức làm việc của người lao động mà còn yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, phát triển kỹ năng cho nhân viên và xây dựng chiến lược tuyển dụng hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho một tương lai mà trong đó sự linh hoạt, công nghệ và bền vững sẽ trở thành những yếu tố quyết định thành công.

Lễ Công bố Bảng Xếp hạng VBE500 và những kết quả tiếp theo của Chương trình nghiên cứu sẽ được công bố chính thức tại Diễn đàn Nhân sự Việt Nam 2024 với chủ đề “Kiến tạo giá trị – Phát triển nhân tài trong kỷ nguyên số” tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 12 tháng 12 năm 2024 và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình www.bestemployer.vn cũng như trên các kênh truyền thông đại chúng.