Chương trình xếp hạng Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam

Ngày 04/10/2023, trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu toàn quốc về Nơi làm việc tốt nhất năm 2023, Báo Đầu tư phối hợp với Viet Research công bố Bảng Xếp hạng VBE500 – Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam năm 2023, tôn vinh những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc nhất trong tạo việc làm, đãi ngộ người lao động, có kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định và bền vững. Chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người lao động về phát triển nguồn nhân lực, đãi ngộ người lao động, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và uy tín nhà tuyển dụng.

Danh sách các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VBE500 được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình https://bestemployer.vn/

Nguồn: Chương trình VBE500 – Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam 2023

Các doanh nghiệp trong Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam năm 2023-VBE500 tiếp tục thể hiện vai trò và vị thế là những thương hiệu mạnh, xuất sắc trong hoạt động tuyển dụng, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào sự bình ổn thị trường lao động trên cả nước. Các doanh nghiệp VBE500 nổi bật trong công tác tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành nghề chính của đất nước, khuyến khích sự đa dạng, thúc đẩy tư duy sáng tạo và nuôi dưỡng thế hệ người lao động kế cận tài năng, điển hình trong Top đầu của Bảng VBE500 năm nay có thể kể đến như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn FPT trong ngành Viễn thông – CNTT, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)… trong ngành Ngân hàng.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức công bố một số kết quả từ nghiên cứu của Viet Research về “Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam 2023: Thực trạng, triển vọng và các xu hướng việc làm trong tương lai” dựa trên kết quả điều tra tại các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VBE500.
Những biến động thế giới trong thời gian qua như thương mại toàn cầu suy giảm mạnh, thị trường tài chính toàn cầu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết với làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ tại nhiều nền kinh tế lớn nhằm chống lại lạm phát khiến triển vọng thị trường lao động vẫn chưa hồi phục về mức trước đại dịch. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhận định, các cú sốc và rủi ro toàn cầu đang kìm hãm sự phục hồi của thị trường lao động, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo tình hình lao động việc làm Quý III năm 2023 của Tổng cục Thống kê vừa công bố mới đây, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2023 là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2023 là 2,02%, giảm 0,27 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù những con số nêu trên đã tích cực hơn đôi chút, song thị trường lao động việc làm vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất, nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh.

Thực trạng lao động và các giải pháp nâng cao hiệu quả tuyển dụng: Góc nhìn từ các doanh nghiệp VBE500 năm 2023

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp VBE500 năm 2023 cho thấy, có khoảng 38.7% doanh nghiệp đang trong tình trạng thiếu hụt nhân sự ở mức không đáng kể (dưới 10%), khoảng 7.8% doanh nghiệp đang dư thừa lao động, khoảng 48.3% doanh nghiệp VBE năm nay không phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt hay dư thừa lao động. Bên cạnh đó, dù gặp nhiều thách thức trong quá trình hoạt động kinh doanh nhưng có hơn 8% doanh nghiệp VBE500 dư thừa lao động vẫn chấp nhận giữ nguyên số lượng để đảm bảo việc làm cho nhân viên, nâng cao sự gắn bó đồng hành với tổ chức qua thời kỳ khó khăn, hoặc đơn giản là để giảm chi phí trong việc tuyển dụng và đào tạo lại người mới. Về cơ bản, các doanh nghiệp VBE500 năm 2023 đã tối ưu hoá sử dụng lao động trong điều kiện thị trường và kinh tế xã hội mới.

Khảo sát các doanh nghiệp VBE500 cũng cho thấy các doanh nghiệp tuyển dụng hàng đầu xuất sắc trong việc xây dựng bộ kỹ năng cho người lao động, tạo ra nhiều lựa chọn trong luân chuyển nhân sự nội bộ và có tiềm lực tài chính vững mạnh sẽ phát huy tối đa sức mạnh tiềm tàng của nguồn vốn nhân sự trong doanh nghiệp.

Nghiên cứu của Viet Research về hiệu quả sử dụng lao động trong các doanh nghiệp VBE cũng chỉ ra các doanh nghiệp VBE500 đã kết hợp rất hài hoà giữa việc đầu tư cho nguồn nhân sự, thương hiệu và uy tín nhà tuyển dụng và hiệu quả tài chính, tính ổn định của hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính sự kết hợp hài hoà này đã giúp các doanh nghiệp VBE500 có được kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định hơn, tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế, có khả năng phục hồi và ổn định tốt hơn cả về đội ngũ nhân sự và hiệu suất kinh doanh, đồng thời có khả năng cao hơn trong thu hút và giữ chân nhân sự tài năng. Đây được xem là những lợi thế quan trọng của doanh nghiệp VBE500 đặc biệt trong những thời khắc khó khăn của thị trường và tình trạng thiếu hụt lao động.

Nhận xét về tỷ lệ thiếu hụt lao động, mặc dù ở mức thấp, một số đại diện doanh nghiệp VBE500 cho biết, một phần do chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng nên vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp thiếu hụt lao động. Có một bộ phận người lao động chưa chú trọng vào việc bồi dưỡng cho bản thân những kỹ năng mềm, trình độ và thái độ làm việc để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế số.

Doanh nghiệp VBE500 đã làm gì để nâng cao hiệu quả tuyển dụng?

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VBE500 – Tháng 5-6/2023

Một trong những giải pháp đang dành được sự quan tâm và đầu tư đáng kể nhất của các doanh nghiệp VBE500 là chú trọng xây dựng thương hiệu tuyển dụng, hình ảnh doanh nghiệp. Có đến gần 80% doanh nghiệp VBE500 cho rằng đây là giải pháp quan trọng nhất trong việc nâng cao hiệu quả tuyển dụng. Việc xây dựng một hình ảnh tuyển dụng tốt, được truyền thông mạnh mẽ là điểm cộng trong mắt các ứng viên tiềm năng khi đưa ra những quyết định ứng tuyển. Trong khảo sát nhanh, các ứng viên đang trong quá trình tìm việc trên thị trường lao động cho thấy, hầu hết các ứng viên sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn để làm việc tại một công ty có thương hiệu uy tín.

Nhóm giải pháp thứ hai được các doanh nghiệp VBE500 sử dụng để nâng cao hiệu quả tuyển dụng là áp dụng đổi mới công nghệ, dữ liệu lớn và cải thiện chất lượng buổi phỏng vấn để từng bước nâng cấp quy trình tuyển dụng đúng người, đúng vị trí. Các doanh nghiệp VBE500 tham gia khảo sát cho biết rằng điều này giúp doanh nghiệp xây dựng được bộ tiêu chí, nhóm kỹ năng cần có của ứng viên để đáp ứng công việc, từ đó có cái nhìn khách quan, đánh giá đúng năng lực, tìm ra ứng viên phù hợp nhất.

Bên cạnh những nỗ lực gia tăng lợi nhuận kinh doanh, xây dựng kế hoạch, chính sách thu hút và giữ chân người tài cũng là một trong những mục tiêu chiến lược được lãnh đạo các doanh nghiệp VBE500 năm nay đặc biệt quan tâm. Để tuyển dụng và giữ chân được nhân sự tài năng, các doanh nghiệp VBE500 cho biết đã và đang tập trung vào 05 chiến lược chính: Nâng cao chất lượng môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp; Áp dụng tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả công việc minh bạch, rõ ràng; Hỗ trợ tối đa cho người lao động về chính sách lương thưởng, phúc lợi; Thường xuyên tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng lao động; Đảm bảo an toàn, vệ sinh trong lao động.

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VBE500 – Tháng 5-6/2023

Xu hướng việc làm và môi trường làm việc trong bối cảnh mới

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VBE500 – Tháng 5-6/2023

Kết quả nghiên cứu về thị trường lao động việc làm, môi trường làm việc tại các doanh nghiệp VBE500, Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong các ngành kinh tế chủ lực (VBW10) nổi bật lên 05 xu hướng về việc làm và môi trường làm việc trong thời gian tới.

1. Mở rộng các tiêu chí, yêu cầu tuyển dụng phi truyền thống

Nhiều doanh nghiệp VBE500 đã có những chiến lược thay đổi để đa dạng hóa cách thức tìm kiếm và tiếp cận ứng viên tiềm năng. Việc ngày càng nhiều nhân sự làm việc trái ngành đã khiến người sử dụng lao động gặp nhiều khó khăn khi không kết hợp và thay đổi những tiêu chí tuyển dụng truyền thống. Để tuyển dụng được những nhân viên tài năng, các doanh nghiệp VBE500 đã chủ động mở rộng hơn trong các tiêu chí khi đánh giá ứng viên dựa trên những kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc thay vì tập trung nhiều vào bằng cấp và kinh nghiệm trước đó của họ. Nhiều doanh nghiệp cho biết sẵn sàng bỏ bớt các yêu cầu về trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc trong các tin tuyển dụng, và tiếp nhận, đánh giá các ứng viên có “hồ sơ phi truyền thống” – những ứng viên chưa có kinh nghiệm làm việc, hoặc đang trong giai đoạn chờ nhận bằng tốt nghiệp.

2. Thực hiện các chính sách phục hồi tổn thương sau đại dịch

Sau khi trải qua đại dịch Covid-19, sức khỏe chung của tập thể suy giảm, khiến nhiều nhân viên phải đối mặt với những vấn đề lâu dài về thể chất và tinh thần. Sự căng thẳng và lo lắng của người lao động trong năm 2022 thậm chí còn cao hơn mức cao nhất của năm 2020. Trong khảo sát nhanh người lao động của Viet Research, có gần 60% nhân viên cho biết đôi lúc họ bị căng thẳng trong công việc hàng ngày. Những khó khăn trong cuộc sống, công việc và sức khoẻ trong thời gian qua phần nào đã dẫn đến sự suy giảm của năng suất và hiệu suất làm việc, gia tăng tỷ lệ nghỉ việc không báo trước và xung đột tại nơi làm việc. Để giải quyết từng bước vấn đề này, trong năm 2023, các doanh nghiệp VBE500 đã hỗ trợ người lao động thông qua 03 giải pháp chính.

Một là, chủ động nghỉ ngơi nhằm giúp nhân viên tăng khả năng phục hồi cảm xúc và hiệu suất làm việc. Điều này bao gồm việc cho phép nhân viên nghỉ có lương trước khi đến mùa hoạt động cao điểm của doanh nghiệp, thứ sáu không họp, phân bổ thời gian dành để chăm sóc sức khỏe cho nhân viên, đưa số lượng ngày nghỉ phép có lương vào nhóm mục tiêu cần thực hiện của người quản lý.

Hai là, tạo ra những buổi thảo luận, trò chuyện để tìm ra những giải pháp vượt qua thử thách, khó khăn dành cho tất cả nhân viên.

Ba là, mời chuyên gia tâm lý đào tạo, chia sẻ cho các nhà quản lý phương pháp xử lý xung đột tại nơi làm việc cũng như là cách thức giải quyết, tháo gỡ khó khăn của nhân viên trong buổi trao đổi, trò chuyện.

3. Thúc đẩy sự đa dạng, công bằng và hòa nhập tại nơi làm việc

Nghiên cứu của Emily Rose McRae và cộng sự (2022) cho thấy, 42% nhân viên tin rằng những nỗ lực về sự đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) tại nơi làm việc có ảnh hưởng tới sự tham gia và tin tưởng dành cho tổ chức của họ.

Sự đa dạng, công bằng và hòa nhập không còn là xu hướng chỉ diễn ra trên thế giới mà đang ngày càng dành được nhiều sự quan tâm của người lao động Việt Nam. Các doanh nghiệp VBE500 cũng ý thức được rất rõ điều này và đang nỗ lực mang lại một môi trường làm việc đa dạng, công bằng và hoà nhập tại doanh nghiệp của mình. Một số câu hỏi liên quan đến vấn đề này thường xuyên được nhiều doanh nghiệp VBE500 đưa vào chương trình nghị sự về lao động trong chính sách lao động của mình để đánh giá mức độ thực hiện sự công bằng tại nơi làm việc như: Nhân viên có được nhận thông báo đầy đủ không? Nhân viên có được hỗ trợ không? Nhân viên đều có cơ hội công bằng trong phát triển và thăng tiến công việc? Lãnh đạo, quản lý có ghi nhận những đóng góp của nhân viên không? Việc doanh nghiệp cố gắng tạo ra những trải nghiệm công bằng cho nhân viên sẽ góp phần làm gia tăng sự hài lòng, tăng hiệu quả làm việc và sự gắn kết với công ty. Khi người lao động đang được ghi nhận rõ ràng về những đóng góp trong công việc của bản thân thì họ sẽ có xu hướng muốn được khẳng định, công nhận và nỗ lực cố gắng nhiều hơn để phát triển.

4. Chú trọng gia tăng năng suất công việc

Năng suất của nhân viên quyết định sự thành công của bất kỳ doanh nghiệp nào. Việc tạo ra các chính sách và duy trì một môi trường cân đối nơi nhân viên làm việc tập trung và hiệu quả là cần thiết. Các doanh nghiệp VBE500 tham gia khảo sát đều cùng nhận định rằng, chính sách liên quan đến sức khỏe được xem là rất quan trọng để giữ chân nhân viên và tăng năng suất làm việc. Các hình thức giúp tăng năng suất làm việc của nhân viên đang được phần lớn doanh nghiệp VBE500 áp dụng là triển khai giờ làm việc linh hoạt, có các chuyên gia tâm lý, sức khoẻ và dinh dưỡng đồng hành và tối ưu hoá các công cụ hỗ trợ cho việc giao việc và kiểm soát thông tin, giúp việc chia sẻ và tối ưu hóa thông tin dễ dàng hơn cho các nhóm làm việc trong doanh nghiệp.

5. Gia tăng sự gắn kết của người lao động với doanh nghiệp

Một trong những xu hướng làm việc được xem là quan trọng và có lợi nhất cho doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ là sự gắn kết của nhân viên. Đảm bảo sự hài lòng của nhân viên có thể giải quyết nhiều vấn đề, từ thiếu năng suất và hiệu quả làm việc cho đến xung đột lợi ích và giao tiếp nội bộ. Các doanh nghiệp VBE500 trong khảo sát của Viet Research cho thấy tập trung vào việc cải thiện sự gắn kết của nhân viên đang hoạt động tốt hơn đáng kể ở mọi bộ phận.

Thị trường lao động nhìn chung vẫn đang trên đà phục hồi và xu hướng về nơi làm việc hiện đại cũng đang dần được định hình. Trước xu thế ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày một trở nên phổ biến hơn trong môi trường làm việc, người lao động cũng đã ý thức rõ nét hơn về việc chủ động hoàn thiện, trau dồi chuyên môn, kỷ luật và cập nhật kiến thức mới nhằm tránh bị tụt hậu.

Xét trên bình diện quốc gia, để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động tiềm năng của Việt Nam, rất cần có các quyết sách đúng đắn đến từ Nhà nước nhằm hỗ trợ cộng đồng các nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, văn minh, hiện đại và bền vững.

Lễ Công bố Bảng Xếp hạng VBE500 và những kết quả tiếp theo của Chương trình nghiên cứu sẽ được công bố chính thức tại Hội nghị “Tái định hình các xu hướng môi trường làm việc Việt Nam trong bối cảnh mới” được tổ chức vào tháng 11/2023 tại Khách sạn Pullman, Hà Nội và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình https://bestemployer.vn/ và trên các kênh truyền thông đại chúng.